Post #84020 - 02/11/2023 08:12:27

Chi nhánh công ty là gì? Thủ tục đăng ký hoạt động chi nhánh như thế nào?

Khi doanh nghiệp phát triển sau một thời gian thành lập công ty và có mong muốn mở rộng thị trường của mình, thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh là một trong những cách thức mà doanh nghiệp có thể lựa chọn. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu khái quát trình tự thủ tục cần thực hiện khi doanh nghiệp muốn thành lập chi nhánh.
 
 
Chi nhánh công ty là gì?
 
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh công ty là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
 
Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh công ty phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Đặc điểm của chi nhánh
 
- Chi nhánh là một đơn vị phụ thuộc trụ sở chính, được thành lập hợp pháp và có con dấu và tài khoản riêng nhưng chưa độc lập hoàn toàn về tài sản, phải nhân danh trụ sở chính thực hiện các quan hệ pháp luật chứ không nhân danh bản thân chi nhánh đó.
 
Như vậy, có thể khẳng định rằng, chi nhánh công ty là 1 đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và không có tư cách pháp nhân.
 
- Chức năng hoạt động và hoạt động của Chi nhánh giống như một công ty thu nhỏ có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh ở trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính.
- Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Chi nhánh có thể đăng ký số lượng ngành nghề ít hơn hoặc bằng với số lượng ngành nghề kinh doanh của công ty. Nhưng tuyệt đối phải đúng với những ngành nghề kinh doanh mà công ty đã đăng ký. Chi nhánh không được đăng ký những ngành nghề mà công ty chưa đăng ký.
 
Chi nhánh  phụ thuộc và  độc lập có những nội dung giống và khác nhau như sau:
 
Giống nhau:
 
- Bộ máy nhân sự do công ty mẹ tổ chức
- Vốn kinh doanh là của công ty
- Hiệu quả sản xuất kinh doanh của chi nhánh là của công ty sau khi nộp thuế
- Hoạt động của chi nhánh phải theo chủ trương, hoặc theo ủy quyền của công ty
- Kê khai thuế GTGT độc lập với công ty
 
Khác nhau:
 
- Chi nhánh  phụ thuộc:
+ Chuyển số liệu, chứng từ doanh thu, chi phí về công ty.
+ Công ty kết hợp số liệu của các chi nhánh khác cùng công ty và hoạt động của công ty để hạch toán và thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Số liệu trong sổ sách là một phần của sổ sách của công ty.
+ Đơn vị kế toán của công ty bao gồm bộ phận kế toán các chi nhánh.
 
- Chi nhánh độc lập:
 
+ Xác định chi phí tính thuế và thu nhập tính thuế
+ Chịu trách nhiệm kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp không kể liên quan gì đến hiệu quả kinh doanh của công ty cũng như các chi nhánh khác trong củng công ty.
+ Hạch toán đầy đủ sổ sách, báo cáo tài chính,…
+ Phòng kế toán hay bộ phận kế toán ở chi nhánh hạch toán độc lập là một đơn vị kế toán theo Luật kế toán.
 
 
Đăng ký tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
 
Luật Doanh nghiệp năm 2020 Điều 40 quy định về Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh
 
1. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
2. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.
3. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.
 
 Theo đó:
 
- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp.
-  Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
-  Phần tên riêng trong tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
- Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.
Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.