Post #82305 - 18/10/2023 03:26:58

Thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào ngành Dược phẩm

Thị trường dược phẩm Việt Nam đang tăng trưởng và phát triển rất mạnh do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng lên và thu hút nguồn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Theo đó, dư địa cho các doanh nghiệp ngành Dược phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, những trở ngại về hạn chế năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) và chuyển giao công nghệ mới... là những rào cản các doanh nghiệp ngành Dược trong việc mở rộng thị trường nội địa.

1. Thực trạng thị trường ngành dược hiện nay

Theo Bộ Y tế, từ năm 2011 đến nay, ngành Dược đã bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Sản xuất thuốc mở rộng về quy mô với 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới - WTO), trong đó có 18 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU GMP. Tổng giá trị thị trường dược phẩm năm 2022 ước khoảng 6,2 tỷ USD. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, điểm tích cực là tốc độ tăng trưởng sản xuất thuốc của các doanh nghiệp Việt Nam tăng khá nhanh. Nếu trong giai đoạn từ năm 2001-2011 giá trị sản xuất thuốc trong nước mới chỉ đạt 17% so với tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của người dân thì tỷ lệ này đã tăng cao, trong giai đoạn từ năm 2015-2021 là 46%, như vậy khả năng chiếm lĩnh thị trường của các doanh nghiệp dược Việt Nam đã mạnh lên, tuy nhiên mức tăng này vẫn còn khiêm tốn so với thế giới.

Ngoài ra, nhờ tác động của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết nên xuất khẩu dược phẩm của Việt Nam cũng khởi sắc. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp ngành Dược Việt Nam tập trung chủ yếu ở sản phẩm nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn (chiếm 32,54%); nhóm thuốc hạ nhiệt, giảm đau (chiếm 15,5%) và nhóm vitamin, khoáng chất (chiếm 6,55%).

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, việc số hóa quy trình sản xuất, vận hành đang được các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ngành dược quan tâm. Kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) triển khai trong tháng 10-11/2022 cho thấy, 64,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ nỗ lực nghiên cứu thị trường, sản xuất ra các loại thuốc phù hợp với nhu cầu của người dân, tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào. Có 85,7% số doanh nghiệp gia tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm trong năm vừa qua; 57,1% số doanh nghiệp nâng cấp, đầu tư nhà máy đạt chuẩn quốc tế; 42,9% số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu thuốc và tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất nguyên liệu (mua bằng phát minh, sáng chế, hợp tác…).

Thị trường trong nước cũng đã chứng kiến hoạt động M&A giữa các doanh nghiệp dược phẩm trong nước và nước ngoài diễn ra mạnh mẽ trên cả lĩnh vực sản xuất và phân phối. Thông qua các hoạt động M&A đã góp phần giúp các doanh nghiệp dược Việt Nam có thêm vốn, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao và hướng tới các dòng sản phẩm đạt chất lượng cao hơn.

Công bố báo cáo tài chính quý II/2023 về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành dược Việt Nam đã cho thấy một bức tranh khá sáng màu về lợi nhuận. Doanh nghiệp Dược Hậu Giang (mã DHG) là một trong số các doanh nghiệp dược phẩm có lợi nhuận quý II/2023 tăng trưởng ấn tượng khi tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 1.153 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 263 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ. Công ty Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) có doanh thu thuần tăng 24% so với cùng kỳ, lên 440 tỷ đồng. Kết quả công ty báo lãi sau thuế quý II/2023 gần 80 tỷ đồng, tăng 71% so với quý II/2022.

2. Giải pháp thúc đẩy phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dược

Theo dự báo của BMI Research, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026. Điều này cho thấy dư địa cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển vào ngành công nghiệp dược còn rất lớn.

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Cụ thể, nước ta có quy mô dân số với trên trăm triệu dân; Nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, nhất là kể từ sau đại dịch Covid - 19; Mức thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Đây là những yếu tố góp phần vào việc người dân chi tiêu nhiều hơn so với trước đây trong nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, năm 2002, bình quân một người dân chỉ chi cho 6,7 USD tiền thuốc nhưng đến năm 2021 con số này đã là 73 USD.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ là động lực tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới, khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn như: EU-GMP, Japan-GMP...

Với 64,3% số doanh nghiệp cho biết mục tiêu của họ là phát triển theo hướng bền vững, trong thời gian tới, các doanh nghiệp dược tiếp tục tập trung nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 30% so với năm 2020, phát triển được 10 - 15 dược liệu di thực đáp ứng nhu cầu trong nước. Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

Đến năm 2045, Việt Nam có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD.

Theo đó, các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển công nghiệp dược liệu sản xuất trong nước thời gian tới như sau:

Một là, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định hiện hành bảo đảm thực hiện khuyến khích, hỗ trợ, đặc biệt ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp dược, trong đó: Doanh nghiệp sản xuất thuốc phát minh được hưởng các ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao; có lộ trình giữ giá, giảm giá thuốc phát minh phù hợp hấp dẫn các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh tại Việt Nam; tăng tỷ lệ trích quỹ R&D đối với doanh nghiệp dược đầu tư vào nghiên cứu, phát triển thuốc mới. Ưu đãi về thuế, tín dụng, chính sách sử dụng đất (giá thuê đất, thời hạn thuê đất) đối với các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư nuôi trồng, chế biến, chiết xuất dược liệu, phát triển thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Hai là, tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc. Quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chú trọng đầu tư, phát triển chương trình hóa dược để sản xuất nguyên liệu làm thuốc phục vụ sản xuất thuốc trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại. Ưu tiên phát triển các dự án sản xuất thuốc chuyển giao công nghệ, thuốc gia công ngay khi hết hạn bằng sáng chế hoặc các chứng nhận độc quyền có liên quan.

Ba là, áp dụng các cơ chế ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ khoa học và công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia cho các hoạt động nghiên cứu - phát triển, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đào tạo chuyên đề về sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế, nghiên cứu tương đương sinh học, thử nghiệm lâm sàng trong chương trình đào tạo dược sĩ đại học.

Bốn là, hoàn thành việc kết nối online dữ liệu kinh doanh thuốc từ khâu sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn đến bán lẻ và sử dụng, chú trọng giám sát về chất lượng, giá, thông tin thuốc, nguồn gốc xuất xứ của thuốc. Đẩy nhanh tiến độ số hóa ngành dược, xây dựng và cung cấp cơ sở dữ liệu về thuốc cho hoạt động quản lý, kinh doanh dược. Xây dựng cơ chế hợp tác, gắn bó giữa nông dân, nhà khoa học, chính quyền và doanh nghiệp trong chuyển giao giống, kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua đối với dược liệu trong nước.

Năm là, chủ động hợp tác với các diễn đàn, tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, cơ quan quản lý dược của các nước tiên tiến trên thế giới, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp dược quốc tế để trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác phát triển về quản lý, khoa học, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực dược; chú trọng thúc đẩy hợp tác với các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia nhằm nghiên cứu, phát triển thuốc phát minh còn bản quyền tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao./.

Xem thêm:
Doanh nghiệp Dược Việt Nam bao giờ hết chông chênh?
Phân tích ngành bán lẻ dược phẩm 2023