Post #2737934 - 15/06/2024 03:42:06

Hấp Dẫn Món Ngon Huế – Bánh Canh Nam Phổ Ngon Chuẩn Vị

Nguồn gốc của tên gọi đặc trưng

Nơi ra đời món ăn đặc biệt này là ngôi làng cùng tên Nam Phổ (TP Huế, Thừa Thiên – Huế). Làng Nam Phổ từ xưa nổi danh với vô vàn món ngon như bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc và đặc biệt là món bánh canh mang hương vị “rất Huế” này.

Món bánh canh chính gốc Nam Phổ xưa là món ăn vặt buổi chiều, ăn chơi chứ không ăn no nên một phần không nhiều. Món này xuất hiện từ thời vua Bảo Đại còn tại vị. Các quan trong kinh thành Huế buổi chiều thường ghé làng Nam Phổ để thưởng thức món súp nóng hổi nổi tiếng cả vùng.

Trước đó, làng Nam Phổ này nổi tiếng với những cây cau từng đi vào ca dao “mua cau Nam Phổ, mùa trầu chợ Đinh”. Từ khi thực dân Pháp vào, những cây cau bị đốn chặt, phụ nữ làng Nam Phổ vốn phụ thuộc vào nghề bán cau phải tìm cách mưu sinh. Họ tìm cách nấu món ăn mới “phục vụ các quan, các cụ ăn nhẹ xế chiều mà nhẹ bụng để ăn được bữa tối”. Món bánh canh ra đời từ đó.

Từ một món ăn gia truyền của vùng làng quê nhỏ, giờ đây bánh canh thương hiệu Nam Phổ đã được bán ở khắp nơi trên xứ Huế. Món ăn dù giản dị nhưng rất tinh tế. Nó khiến cho những con người xứ Huế xa quê cũng luôn nhớ tới. Hay là bất cứ du khách tới đây đều phải tìm để thưởng thức bằng được.

Điều làm nên hương vị đặc biệt của bánh canh Nam Phổ

Để làm món bánh canh Nam Phổ, bạn không cần chuẩn bị quá cầu kỳ về nguyên liệu, chủ yếu sẽ có sợi bánh canh, tôm, cua chả,… và một số gia vị, rau ăn kèm. Nấu món ăn này không đơn giản, hầu hết nguyên liệu phải làm thủ công, tốn nhiều thời gian và công đoạn chế biến.

Sợi bánh quyết định nét đặc trưng

Khó nhất là công đoạn làm ra sợi bánh canh. Bước này đòi hỏi sự khéo léo của người làm bếp. Phải nhào nặn bột vừa đủ lực, ước lượng đúng tỷ lệ bột gạo, bột năng, để khi luộc bột không vón cục. Sợi bánh canh Nam Phổ không dài sợi bánh canh thường thấy, kết cấu mềm nhưng không nát, khi ăn phải dùng thìa múc như ăn súp.

Bởi lẽ nó mềm chứ không dai do có 80% bột gạo, 20% bột năng. Sợi bánh sau khi luộc sơ thành hình sẽ được chưng cách thủy nhiều tiếng. Quá trình chưng sợi sẽ nhừ và đứt ra thành nhiều khúc. Đây cũng là cái đặc biệt của món này so với các loại bánh canh khác.

 

Ngoài ra, phần lớn nguyên liệu là từ Huế. Ví dụ như ruốc Huế, bột gạo, ớt.. nên mang hương vị rất đặc trưng. Bột gạo ở Huế có vị thơm đặc trưng, ngọt và dẻo.

Nước súp quyết định linh hồn

Linh hồn của món bánh canh Nam Phổ đó là nước dùng từ nước luộc tôm, cua cho ra vị ngọt tự nhiên nhất. Bên cạnh đó, nhân bánh được chế biến từ thịt ba chỉ và tôm tươi. Nồi bánh canh được nấu riêng, nồi súp chan cùng nấu riêng để không trộn lẫn mùi hải sản. Phần súp dạng sệt có hỗn hợp thịt cua, tôm, thịt nạc băm, gạch cua tạo màu đỏ. Nước súp không có mùi tanh vì được trung hòa bởi nước xương hầm chung. Không giống các loại bánh canh khác chỉ đặt topping lên trên, phần nhân của món ăn này được giã nhuyễn ra để hòa quyện vào nhau.

 

 

Gợi ý các địa điểm để thưởng thức món bánh cánh Nam Phổ ngon tại Huế

Quán bánh canh Nam Phổ O Thu – đúng điệu đất cố đô

  • Địa chỉ: số 374 Chi Lăng, TP. Huế
  • Giờ mở cửa tham khảo: 15:00 – 18:00
  • Giá tham khảo: 10.000 – 22.000 VNĐ/suất

 Quán bánh canh Nam Phổ Thúy – nổi tiếng ở Huế

  • Địa chỉ: số 16 Phạm Hồng Thái, TP. Huế
  • Giờ mở cửa tham khảo: 12:00 – 19:00
  • Giá tham khảo: 5.000 – 10.000 VNĐ/suất.

Bánh canh Nam Phổ chợ Đông Ba

  • Địa chỉ: đường Trần Hưng Đạo, TP. Huế
  • Giờ mở cửa tham khảo: 08:00 – 17:00
  • Giá tham khảo: 5.000 – 10.000 VNĐ/suất.

Quán bánh canh Nam Phổ O Hằng tại trung tâm xứ Huế

  • Địa chỉ: số 16 Hà Huy Tập, P. Xuân Phú, TP. Huế
  • Giờ mở cửa tham khảo: 13:00 – 21:00
  • Giá tham khảo: 10.000 – 30.000 VNĐ/suất.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết.

Nếu có nhu cầu mua các đặc sản miền Trung thì hãy ghé ngay Miền Trung Food nhé.